Tại bệnh viện tuyến trước, bác sĩ chẩn đoán tràn khí màng phổi phải, chỉ định đặt dẫn lưu màng phổi. Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có cải thiện triệu chứng hô hấp nhưng ống dẫn lưu màng phổi còn rò khí nhiều. Anh T. được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM)
Ngày 15.7, thạc sĩ – bác sĩ nội trú Trần Thúc Khang (Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết đây là một trường hợp tràn khí màng phổi phải tự phát, dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi không hiệu quả (còn gọi là rò khí kéo dài). Tràn khí màng phổi thường do nhu mô phổi có các bóng hay kén khí bị vỡ.
Đối với tràn khí màng phổi tự phát, nếu lượng khí nhiều, không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp. Điều trị đối với tràn khí tự phát là dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi. Tuy nhiên, đối với những bóng hay kén khí lớn, không tự bịt kín được, dẫn lưu vẫn còn rò khí kéo dài sau 5-7 ngày, cần xem xét chỉ định phẫu thuật giải quyết nguyên nhân.
Ê kíp tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cho bệnh nhân, kéo dài khoảng 60 phút. Qua hệ thống hình ảnh nội soi, tổn thương ở nhu mô phổi được xác định gồm nhiều bóng khí đã vỡ và chưa vỡ. Tổn thương được cắt bỏ hoàn toàn và nhu mô phổi được khâu lại bằng hệ thống khâu máy tự động. Kiểm tra ngay trong mổ, phổi (sau khi cắt bỏ kén khí) nở tốt, không thấy dò khí. Đồng thời, màng phổi thành của bệnh nhân được cắt và cọ xát cơ học nhằm tạo dính khoang màng phổi, tránh tái phát về sau.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, đau vết mổ ít, chụp X-quang kiểm tra thấy phổi nở tốt, dẫn lưu hết rò khí và được rút sau mổ 36 giờ. Bệnh nhân xuất viện sau 3 ngày với tình trạng hô hấp bình thường.
Khai thác bệnh sử ghi nhận người bệnh hút thuốc lá từ 15 năm trước, vài năm trở lại đây trung bình hút 1 gói mỗi ngày.
Bác sĩ Khang cho biết, khó khăn lớn nhất khi điều trị tràn khí màng phổi tự phát bệnh hay tái phát. Nếu lần dẫn lưu đầu thành công, tỷ lệ tái phát tràn khí màng phổi rất cao (do còn nhiều bóng kén khí khác chưa vỡ). Tùy vào tình trạng rò khí, lần đầu hay tái phát, nhóm nguyên nhân (tự phát hay thứ phát), bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Ở trường hợp này, rò khí kéo dài, người bệnh được chỉ định phẫu thuật nhằm hai mục đích: cắt khâu các bóng/kén khí và tạo dính khoang màng phổi nhằm ngăn ngừa tái phát.
Sau điều trị kén khí phổi, bệnh nhân nên nghỉ ngơi nhiều, tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức hay tập thể dục cường độ cao; bỏ thuốc lá; kiểm soát các bệnh lý đi kèm như viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… để ngăn ngừa tái phát.